Tiêu điểm

Bài viết sưu tầm

Cùng với dòng chảy của lịch sử thế giới, mỹ thuật cũng có riêng cho mình một dòng chảy hào hùng, hấp dẫn và đầy thú vị. Mỹ thuật đã xuất hiện từ rất lâu, khi chữ viết của con người còn chưa xuất hiện thì mỹ thuật đã xuất hiện rồi. Từ những nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật chúng ta có thể kết luận: Mỹ thuật là loại ngôn ngữ truyền đạt ý tưởng bằng các tác phẩm sử dụng kỹ thuật và các phương pháp của người nghệ sĩ. Thuật ngữ “trường phái” dùng để chỉ một phong cách, trong đó phân loại một nhóm họa sĩ có chung kỹ thuật và phương pháp thể hiện.

Với tư cách của một graphic designer, bản thân mỗi chúng ta cũng cần hiểu và tìm hiểu những trường phái mỹ thuật trong dòng chảy này. Việc này không chỉ giúp kiến thức nền tảng của chúng ta trở nên vững chắc hơn mà còn là cách để chúng ta update kiến thức mỗi ngày và giúp các kĩ năng trong lĩnh vực mỹ thuật ngày càng hoàn thiện.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số các trường phái mang tính biểu tượng của dòng chảy mỹ thuật cũng như một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu của nó.

1. Trường phái Tân cổ điển – NeoClassicism (cuối TK XVIII – đầu TK XIX)

Trường phái Tân cổ điển được phát triển và trở nên phổ biến trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỉ XIX, phản ánh rõ ràng tình hình chính trị và xã hội trong thời kì này, thời điểm cận của Cách mạng Pháp. Đối với các nghệ sĩ Neoclassicism, cách tốt nhất để truyền tải tinh thần cổ điển là tạo ra các tác phẩm tương tự – hoàn mỹ, có khả năng chịu thử thách của thời gian mà không bị lạc mốt. Sự thanh thoát, giản dị nhưng hoàn hảo là cốt lõi của Neoclassicism, khác với Baroque nhiệt huyết sôi sục hay Rococo tình tứ nông cạn – văn hóa nghệ thuật phù phiếm dựa trên quan niệm cá nhân đang gây xôn xao xã hội lúc bấy giờ. Nó phản ánh mong muốn khơi dậy tinh thần và các hình thức nghệ thuật cổ điển từ Hy Lạp và La Mã cổ đại, những nguyên tắc trật tự và lý trí hoàn toàn phù hợp với Thời kỳ Khai sáng của Châu Âu (Europe Age of Enlightenment).  

Bố cục của trường phái Tân cổ điển lấy thiên nhiên hoặc lâu đài cổ làm nền cho chủ đề của bức tranh. Nó được thay đổi hoặc trang trí thêm để phù hợp nhất cho các buổi diễn kịch, có lẽ là một khoảng không của bầu trời bao la hay bão tố bị phân chia bởi những vệt sáng của mặt trời, cũng có thể là một khu vườn được tỉa gọn đẹp đẽ chăm chút nhưng chứa đựng những vết tích của sự huỷ hoại lịch sử. Bố cục tranh cổ điển thường mang kịch tính và đồ sộ, tập trung vào hành động trung tâm hoặc những đặc điểm của nhóm nhân vật. Những đặc điểm này được phóng đại so với thực tế và thường bao gồm những con người thời cổ Hy Lạp hoặc Đại Cách mạng Pháp. Nét vẽ cổ điển thường được sơn phết một cách tỉ mỉ, với bề mặt mịn, mục đích để dấu đi những vệt màu của họa sĩ. Chúng được tạo thành để gây ra ảo giác giúp cho người xem tưởng tượng ra có thể nhìn xuyên qua khung tranh và đi vào thế giới thật trong tranh. Dễ có cảm giác các tác giả muốn miêu tả hay rao giảng những bài học đạo đức bằng cách sử dụng các đề tài lịch sử, tôn giáo và thần thoại.

Niềm tin của các nhà Tân cổ điển chính là nghệ thuật nên thể hiện những đức tính lý tưởng trong cuộc sống và có thể cải thiện người xem bằng cách truyền đạt một thông điệp đạo đức. Nó có sức mạnh làm văn minh, cải cách và thay đổi xã hội, khi chính xã hội đang bị biến đổi bởi những cách tiếp cận mới đối với chính phủ và xuất hiện sự trỗi dậy của các lực lượng thuộc Cách mạng Công nghiệp, được điều khiển bởi những khám phá và phát minh khoa học.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Tân cổ điển có thể kể đến là Pompeo Girolamo Batoni (1708 – 1747), Anton Raphael Mengs (1728 – 1779), Jacques-Louis David (1748-1825), Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780 – 1867), v.v.

Đám cưới của của Cupid và Psyche anagoria – Bantoni Pompeo

2. Trường phái lãng mạn – Romanticism (1780s – 1830s)

Như một cách để đáp trả phong cách tân cổ của trường phái Tân cổ điển được ưa chuộng tại học viện ở hầu hết các quốc gia, trừng phái Lãng mạn được khai sinh đã vươn xa trên toàn thế giới bằng sự độc đáo, nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng trong đó, điều này thúc đẩy phát triển nhiều phong cách khác nhau trong phong trào. Không chỉ dừng ở mỹ thuật, các nghệ sĩ theo trường phái Lãng mạn có thể tìm thấy niềm cảm hứng của mình trong tất cả các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, kiến trúc…

Những nghệ sĩ theo trường phái Lãng mạn nhấn mạnh rằng giác quan và cảm xúc – không chỉ đơn giản là nguyên nhân và thứ tự – là những phương tiện quan trọng không kém phần những hiểu biết và trải nghiệm về thế giới. Trường phái Lãng mạn tôn vinh trí tưởng tượng và trực giác cá nhân trong hành trình bền bỉ tìm kiếm quyền và tự do cá nhân. Những ý tưởng của nó về sức mạnh chủ quan và sáng tạo của người nghệ sĩ đã thúc đẩy những phong trào tiên phong vào thế kỷ 20. Ngoài ra, trong nỗ lực để ngăn chặn sự xâm lấn của làn sóng công nghiệp ngày càng tăng cao, nhiều người theo chủ nghĩa Lãng mạn nhấn mạnh về sự kết nối của cá nhân con người với thiên nhiên và về một quá khứ vàng son.

Những nghệ sĩ theo trường phái này nhấn mạnh rằng giác quan và cảm xúc – không chỉ đơn giản là nguyên nhân và thứ tự – là những phương tiện quan trọng không kém phần những hiểu biết và trải nghiệm về thế giới. Trường phái Lãng mạn tôn vinh trí tưởng tượng và trực giác cá nhân trong hành trình bền bỉ tìm kiếm quyền và tự do cá nhân. Những ý tưởng của nó về sức mạnh chủ quan và sáng tạo của người nghệ sĩ đã thúc đẩy những phong trào tiên phong vào thế kỷ 20.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Lãng mạn có thể kể đến là Théodore Géricault (1791 – 1824), Eugène Delacroix (1798 – 1863), Henry Fuseli (1741 – 1825), Gustaf Wappers (1803 – 1874), v.v.

The Ancient of Days trích từ Europe a Prophecy tái bản B (1794) – William Blake

3. Trường phái Hiện thực – Realism (1840s – 1880s)

Được coi như là một cuộc cách mạng hoá hội hoạ phương Tây, trường phái Hiện thực tập trung khắc hoạ đời sống thường nhật của con người một cách chân thức, một điều mà chưa trường phái nào trước đó làm được. Phát sinh vào thập niên 50 của thế kỷ 19, trường phái này dành được nhiều sự chú ý của các hoạ sĩ đến từ tầng lớp bình dân và trung lưu với mong muốn miêu tả về cuộc sống thường ngày và gạt bỏ hoàn toàn những chuẩn mực của chủ nghĩa Lãng mạn khi tập trung vào việc đề cao mộng tưởng, tình cảm và sự tự do. Những họa sĩ Lãng mạn thường tô hồng, bôi đen hiện thực và đề cao, hay mộng tưởng hóa những nhân vật thần thoại hoặc những khung cảnh thần tiên. Đây chính là điều mà nhóm họa sĩ Hiện thực kịch liệt phản đối.

Chưa bao giờ nghệ thuật Hiện thực mất đi giá trị, mà chỉ kém đi khi người ta tự hạn chế mình trong một khuôn mẫu gọi là hiện thực. Phẩm chất hiện thực vốn dĩ có trong mọi nghệ thuật và là thủ pháp, ngôn ngữ, mục đích biểu hiện của nghệ thuật hiện thực. Khả năng của nó cũng mênh mông như đời sống, chọn lọc nhưng không từ chối tất cả những gì thuộc về con người.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Hiện thực có thể kể đến là Gustave Courbet (1819 – 1877), Henri Biva (1848 – 1829), Jean-François Millet (1814 – 1875), Édouard Manet (1832 – 1883), Edward Hopper (1882 – 1967), v.v.

Jean-François Millet, “The Gleaners” (1857)

4. Trường phái Ấn tượng – Impressionism (1872 – 1892)

Trường phái Ấn tượng có thể được coi là phong trào hiện đại rõ rệt đầu tiên trong hội họa. Cái tên “Ấn tượng” xuất phát từ một bức tranh nổi tiếng của danh hoạ Claude Monet – Impression, Soleil Levant. Khoảng năm 1862, có những họa sĩ trẻ cho rằng nghệ thuật đã xơ cứng do các quy tắc quá cứng nhắc được giảng dạy ở trường Mỹ thuật, họ tập hợp lại với nhau ở Paris cùng với Claude Monet. Trên con đường được Eugène Boudin và Johan Barthold Jongkind vạch ra trong những năm 1850 -1860, họ vẽ tranh ngoài trời, theo mẫu sống, và tìm cách thu tóm những biểu hiện thoáng qua của bầu khí quyển. Bằng cách tránh xưởng vẽ và những giá trị giả tạo của nó, họ thu nhận những cảm giác thị giác từ phong cảnh, vẽ ánh sáng và những tác động của nó. Trường phái Ấn tượng đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa. Cái tên “Ấn tượng” (Impressionism) do các nhà phê bình gọi theo một tác phẩm nổi tiếng của Claude Monet: Impression, soleil levant (Tạm dịch: Ấn tượng mặt trời mọc).

Những người theo trường phái Ấn tượng đã nới lỏng cọ vẽ của mình và trải sáng bảng màu bằng những màu sắc tinh khiết và mãnh liệt. Họ đã từ bỏ quan niệm tuyến tính truyền thống và tránh sự phân chia bố cục rõ ràng của hình thức trước đây dùng để phân biệt các yếu tố quan trọng hơn của bức tranh với các yếu tố phụ xung quanh. Vì lý do này, nhiều nhà phê bình dè bỉu các bức tranh trường phái Ấn tượng vì bề ngoài trông có vẻ dở dang và chất lượng có vẻ nghiệp dư của chúng. Lấy ý tưởng từ Gustave Courbet (họa sĩ đi đầu trong trường phái Lãng mạn), những người theo trường phái Ấn tượng nhắm đến việc trở thành họa sĩ của thực tế – nhằm mục đích mở rộng nhiều chủ đề hơn có thể cho tranh, thoát khỏi sự mô tả của các hình thức lý tưởng hóa và đối xứng hoàn hảo để tập trung vào thế giới mà họ thấy, dù nó không phải lúc nào cũng hoàn hảo.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Ấn tượng có thể kể đến là Claude Monet (1840 – 1926), Mary Cassatt (1844 – 1926), Edgar Degas (1834 – 1917), Camille Pissarro (1830 – 1903), Alfred Sisley (1839 -1999), v.v.

Claude Monet – Impression, Soleil Levant

5. Trường phái Hậu ấn tượng – Post Impressionism (1886 – 1914)

Để nói một cách chính xác thì trường phái Hậu Ấn tượng thực chất không phải một trường phái nghệ thuật chính thống. Nó là tên gọi chung của một nhóm nhỏ họa sĩ độc lập với mong muốn khắc phục những điểm hạn chế của trường phái Ấn tượng vào cuối thế kỷ 19. Họ hình thành nhiều phong cách hội họa mới, tập trung vào yếu tố cảm xúc, kết cấu cùng tôn giáo còn thiếu sót trong Trường phái Ấn tượng. Những tìm tòi của nghệ sĩ Hậu Ấn tượng là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của hội họa đương đại sau này. Nhắc đến trường phái này thì ta phải nhắc đến nhân vật nổi bật nhất Vincent Van Gogh. Những bức hoạ của ông đã trở thành tiêu biểu cho cả một trường phái và tạo ra sức ảnh hưởng xuyên thời gian, thậm chí đến cả thời điểm hiện tại, tranh Van Gogh cũng mang nhiều dấu ấn đối với cả thế hệ trẻ.

Chủ nghĩa Hậu ấn tượng bao gồm một loạt các phong cách nghệ thuật riêng biệt, tất cả đều có chung động lực đáp ứng với tính quang học của phong trào Ấn tượng. Các biến thể phong cách được bao gọn dưới biểu ngữ chung của chủ nghĩa Hậu ấn tượng bao gồm từ chủ nghĩa Tân Ấn tượng (Neo-Impressionism) theo định hướng khoa học của Georges Seurat đến chủ nghĩa Biểu hiện (Symbolism) của Paul Gauguin, nhưng tất cả đều tập trung vào tầm nhìn chủ quan của người nghệ sĩ. Phong trào mở ra một kỷ nguyên mới mà trong đó hội họa vượt qua vai trò truyền thống của nó như một cửa sổ nhìn vào thế giới và thay vào đó, trở thành một cửa sổ nhìn vào tâm trí và tâm hồn của người nghệ sĩ. Ý nghĩa biểu tượng và mang tính cá nhân cao đặc biệt quan trọng đối với những người theo trường phái Ấn tượng như Paul Gauguin và Vincent van Gogh. Thay vì mô tả thế giới bên ngoài mà ta quan sát, họ nhìn vào ký ức và cảm xúc của chính bản thân mình để kết nối với người xem ở mức độ sâu hơn.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Hậu ấn tượng có thể kể đến là Vincent van Gogh (1853–1890), Georges Seurat (1859–1891), Paul Cézanne (1839–1906), Pierre Bonnard (1867–1947), v.v.

Starry Night – Vincent Van Gogh

6. Trường phái Dã thú – Fauvism (1899 – 1908)

Trường phái Dã thú (Fauvism hay Les Fauves)  là một phong trào nghệ thuật xuất hiện tại Pháp vào khoảng đầu thế kỷ XX. Dù chỉ tồn tại vỏn vẹn 5 năm, ảnh hưởng của nó tới sự phát triển của hội họa nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung là vô cùng lớn. Nó là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của chủ nghĩa Lập thể và nghệ thuật Trừu tượng sau này.

Một trong những đóng góp chính của trường phái Dã thú cho nghệ thuật hiện đại là mục tiêu triệt để của nó – tách màu sắc ra khỏi mục đích mô tả và cho phép nó tồn tại trên bức tranh như một yếu tố độc lập. Đặc trưng hội họa phái Dã thú là ở cách sử dụng màu sắc mạnh bạo chống lại đường lối nghệ thuật kiểu học việc khô cứng. Chủ nghĩa Dã thú đẩy mạnh vai trò của màu sắc, dùng màu với cường độ cao nhất để tạo ra sức mạnh biểu cảm đó là sự nổi loạn với những sắc đỏ, xanh cobalt, xanh lá cây, vàng nguyên chất rực rỡ. Về tạo hình, bằng những nét bút mạnh mẽ, kích động và dữ dằn; đơn giản hóa đường nét để tìm kiếm cá tính, bộc lộ tối đa tình cảm của họa sĩ hội họa Dã thú không còn lệ thuộc triệt để vào nguyên tắc giải phẫu, vào phối cảnh, vào tỉ lệ thực và tả chân, thậm chí đôi khi cả sự hợp lý của ánh sáng mà chủ trương giải phóng hình thức. Các họa sĩ theo đuổi trường phái dã thú thường thử nghiệm lối vẽ tối giản và phong cách trừu tượng thay cho Chủ nghĩa Hiện thực. Đối với họ, điều quan trọng là bố cục nhiều màu, chú trọng các sắc màu nổi bật, đơn giản và ngẫu nhiên, hơn là vẽ y chang những thứ mắt thường nhìn thấy.

Các tác phẩm Dã thú xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong triển lãm “Salon mùa thu” lại Paris năm 1905. Những tác phẩm này được sáng tác bởi nhóm họa sĩ trẻ, có cá tính mạnh với quan điểm nghệ thuật táo bạo, mới mẻ chống lại đường lối nghệ thuật kiểu học việc khô cứng. Một số nhà phê bình cho rằng, triển lãm của Van Gogh tại Paris năm 1903 chính là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi của nhóm họa sĩ trẻ này. Cách biểu hiện dữ dội và có phần thô ráp cùng những tông màu mạnh trong tranh của Vincent van Gogh đã hé lộ con đường sáng tạo cho họ.

Chủ nghĩa Dã thú xuất hiện như một ngôi sao băng trong bầu trời nghệ thuật, hiện lên rực rỡ rồi nhanh chóng lụi tàn trong một khoảng thời gian ngắn. Chủ nghĩa Dã thú ra đời năm 1905, thu hút dư luận để đạt đến đỉnh cao năm 1907, 1908 rồi dần thoái trào và gần như không còn tồn tại từ sau năm 1920. Khi mới xuất hiện và phát triển bước đầu, hội họa Dã thú không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới sưu tập, bị các nhà phê bình và công chúng xa lánh. Nhưng giới họa sĩ lại nhìn thấy ở đó nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới. Hội họa Dã thú chính là một trong những trường phái đầu tiên đưa đến sự tiếp cận hiện đại của nghệ thuật tạo hình. Bằng việc từ bỏ các nguyên tắc cổ điển một cách thành công, chủ nghĩa Dã thú đã góp phần mở ra một con đường mới cho nghệ thuật thế kỷ XX.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Dã thú có thể kể đến là Henri Matisse (1869 – 1954), André Derain (1880 -1954), Maurice Vlaminck (1876-1958), George Rouault (1871-1958), Albert Marquet (1875-1947), v.v.

‘Henley Regatta’, 1933 – Raoul Dufy

7. Trường phái Biểu hiện – Expressionism (1905 – 1933)

Trường phái biểu hiện là một trào lưu nghệ thuật, bắt đầu với các tác phẩm thơ ca và hội họa, có nguồn gốc từ Đức vào đầu thế kỷ 20. Đặc điểm điển hình của nó là phản ánh thế giới từ một góc nhìn chủ quan, “bóp méo” sự vật một cách triệt để để có hiệu ứng cảm xúc nhằm gợi lên tâm trạng hoặc ý tưởng. Các nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện tìm cách thể hiện ý nghĩa của trải nghiệm cảm xúc hơn là thực tế vật lý.

Trường phái biểu hiện được phát triển như phong cách avant-garde trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nó khá phổ biến trong thời Cộng hòa Weimar, đặc biệt là ở Berlin. Phong cách này mở rộng sang nhiều lo ại hình nghệ thuật, bao gồm kiến trúc, hội họa, văn học, sân khấu, khiêu vũ, điện ảnh và âm nhạc theo trường phái biểu hiện.

Chủ nghĩa Biểu hiện nhấn mạnh quan điểm, góc nhìn của cá nhân – khác với cách biểu hiện của chủ nghĩa thực chứng positivims (lấy hiện tượng, sự kiện làm cái “thực chứng”, làm căn cứ và đề cao khoa học tự nhiên trong việc lý giải tự nhên, xã hội, con người) và các phong cách nghệ thuật khác như chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) và Ấn tượng (Impressionism).

Sự xuất hiện của chủ nghĩa Biểu hiện đã công bố các tiêu chuẩn mới trong việc sáng tạo và phán đoán nghệ thuật. Nghệ thuật bây giờ có nghĩa là xuất phát từ bên trong nghệ sĩ, thay vì mô tả thế giới thị giác bên ngoài, và tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật đã trở thành đặc trưng của cảm xúc của nghệ sĩ thay vì phân tích tác phẩm.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Biểu hiện có thể kể đến là Edvard Munch (1863 – 1944), Wassily Kandinsky (1866 – 1944), Oskar Kokoschka (1886 – 1980), v.v.

The Scream (1893) – Edvard Munch.

8. Trường phái Lập thể – Cubism (1909 – 1922)

Chủ nghĩa Lập thể là một trường phái nghệ thuật thị giác có sức ảnh hưởng rất lớn của thế kỷ XX, được sáng lập bởi Pablo Picasso và Georges Braque tại Paris từ 1907 đến 1920. Phong cách Lập thể nhấn mạnh vào hình phẳng 2D, loại bỏ những kỹ thuật biểu hiện truyền thống về phối cảnh và bác bỏ lý thuyết nghệ thuật bấy lâu vốn đề cao sự bắt chước tự nhiên. Những họa sĩ thuộc trường phái Lập thể không bị ràng buộc vào việc sao chép hình dáng, cấu trúc bề mặt, màu sắc hay không gian mà thay vào đó, họ giới thiệu đến người xem một dạng thức mới của hiện thực qua các tác phẩm miêu tả đối tượng bị phân chia thành nhiều mảng với nhiều diện từ nhiều góc độ được biểu hiện cùng một lúc.

Chủ nghĩa Lập thể là một trào lưu hội họa có tính cách mạng, phát triển ở Paris đầu thế kỷ XX. Sự ra đời chính thức của nó, theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, được đánh dấu bằng sự ra đời của tác phẩm “Les Demoiselles d’Avignon” (1907). Có thể nói, phái Lập thể là một trường phái hội họa nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Cũng như trường phái Dã thú trước đó, chủ nghĩa Lập thể không có một quá trình phát triển lâu dài. Dần dà khởi đầu từ 1906 – 1907, trường phái hội họa này đạt đến cao trào những năm 1909-1912 và gần như kết thúc cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chủ nghĩa Lập thể có phần nào đó liên quan đến chủ nghĩa Dã thú, là trường phái đề cao sự thuần khiết của nghệ thuật và quan tâm đến tạo hình trong nghệ thuật châu Phi.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Lập thể có thể kể đến là Pablo Picasso (1881-1973), Georges Braque (1882-1963), Juan Gris (1887-1927), Fernand Leger (1881-1955), v.v. 

Pablo Picasso, “Bowl of Fruit, Violin and Bottle”, 1914

9. Trường phái Vị lai – Futurism (1909 – 1944)

Năm 1908, vì tránh một người đi xe đạp mà Marinetti và chiếc xe của mình đã bị lật xuống một con mương. Mặc dù chiếc xe bị hư hoàn toàn nhưng trải nghiệm đầy lạ thường này đã trở thành câu chuyện về nguồn gốc bản tuyên ngôn của ông – đưa chiếc xe đạp cũ vào chiếc xe cơ giới hiện đại – phép ẩn dụ phù hợp để diễn tả một phong trào chinh phục nỗi luyến tiếc từ quá khứ và truyền thống. “Từ đỉnh cao của thế giới, chúng ta ném sự thách thức của mình đến các vì sao!” là câu kết vang dội đầy quyền lực trong cuốn “Sự hình thành và tuyên ngôn của phái vị lai” của Marinetti.

Tập trung vào sự tiến bộ và hiện đại, những người theo thuyết Vị lai tìm cách quét sạch các quan niệm nghệ thuật truyền thống và thay thế chúng bằng sự chào mừng thời đại máy móc. Mục đích trọng tâm được đặt vào việc tạo ra một tầm nhìn độc đáo và năng động về tương lai, các nghệ sĩ thuộc trường phái Vị lai đã kết hợp những mô tả về cảnh quan đô thị cũng như các hình ảnh công nghệ mới như xe lửa, xe hơi và máy bay vào tác phẩm của họ. Chủ nghĩa Vị lai là một trào lưu nghệ thuật tiên phong và gây sốc nhất. Nó ca tụng tình yêu chóng vánh, sự mãnh liệt hung bạo, máy móc, sự khinh miệt phụ nữ và coi chiến tranh như một cách “vệ sinh” thế giới. Cùng với chủ nghĩa Siêu thực, trào lưu này được biết đến với nhiều sự xung đột bên trong. Nhiều nghệ sĩ đã bị trục xuất như hai anh em nhiếp ảnh gia Arturo và Carlo Ludovico Bragaglia. Hơn cả một trào lưu thông thường, chủ nghĩa Vị lai còn trở thành một nghệ thuật sống. Nó ảnh hưởng tới Hội họa, Điêu khắc, Văn học, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, và cả Chính trị lẫn Ẩm thực.

Tuy nhiên, những người trẻ tuổi theo trường phái vị lai đều là những người giỏi giang và có kinh nghiệm với những khám phá tiên tiến nhất về khoa học và triết học, có hứng thú đặc biệt với kỹ thuật hàng không cũng như những tiến bộ trong ngành điện ảnh thuở sơ khai. Các công trình như “Piazza del Duomo” của Carrà (1909-1910) và bức tranh của Boccioni “The City Rises” (1910) nhằm mục đính khám phá những phong cách chuyển động và thay đổi, thể hiện sự say sưa của họ đối với tương lai và những đổi mới có thể đưa họ đến tương lai đó.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Vị lai có thể kể đến là Umberto Boccioni (1882 – 1916), Gino Severini (1883 – 1966), Luigi Russolo (1885 – 1947), Giacomo Balla (1871 – 1958), Benedetta (Cappa) (1897 – 1977), v.v.

“Piazza del Duomo” của Carrà

10. Trường phái Dada – Dadaism (1916 – 1924)

Dadaism (hay còn gọi là Dada) là một phong trào nghệ thuật đi ngược lại những giá trị xã hội, chính trị và văn hóa đương thời. Phong trào này có mặt trên nhiều lĩnh vực như hội họa, thi ca, nhạc kịch, vũ điệu và chính trị. Không giống với các loại hình nghệ thuật khác như trường phái lập thể hoặc trường phái dã thú; Dada thực chất là một phong trào phản kháng nổi lên với bản tuyên ngôn chống lại chính quyền. Phong trào này có mặt trên nhiều lĩnh vực như hội họa, thi ca, nhạc kịch, vũ điệu và chính trị. Không giống với các loại hình nghệ thuật khác như trường phái Lập thể hoặc trường phái Dã thú, Dada thực chất là một phong trào phản kháng nổi lên với bản tuyên ngôn chống lại chính quyền. Tính thẩm mỹ của phong trào Dada được đánh dấu bằng sự chế giễu về thái độ vật chất và dân tộc đã chứng minh ảnh hưởng mạnh mẽ của mình đến các nghệ sĩ ở nhiều nơi. Phong trào dần tan rã với sự ra đời của chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism), nhưng những ý tưởng mà nó mang lại đã trở thành nền tảng của nhiều thể loại nghệ thuật hiện đại và đương đại.

Sự đặc biệt ở trường phái Dada là những tác phẩm vô nghĩa, vì vốn dĩ cái tên của trường phái này cũng không có ý nghĩa gì cả.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Dada có thể kể đến là Hugo Ball (1886 – 1927), Dragan Aleksić (1901 – 1958), Louis Aragon (1897 – 1982), v.v.

MARCEL DUCHAMP (1887-1968)
‘L.H.O.O.Q’, 1919 (ready-made)

11. Trường phái Siêu thực – Surrealism (1924 – 1966)

Những người theo chủ nghĩa Siêu thực tìm cách chìm vào trạng thái vô thức như là một phương thức để mở khóa sức mạnh của trí tưởng tượng. Không đếm xỉa gì đến chủ nghĩa Duy lý và Hiện thực văn học, cùng lúc đó chịu tác động mạnh mẽ bởi Phân tâm học, những nghệ sĩ thuộc phong cách Siêu thực tin rằng tư tưởng Duy lý sẽ kìm hãm sức mạnh của trí tưởng tượng, nên họ đã đưa nó vào hàng cấm kỵ. Bị ảnh hưởng bởi Karl Marx, họ hi vọng rằng tâm trí sẽ có được sức mạnh để tiết lộ những mâu thuẫn trong thế giới thường nhật và thúc đẩy cuộc cải cách. Sự nhấn mạnh của họ đối với sức mạnh của trí tưởng tượng cá nhân cũng giống như tư tưởng của chủ nghĩa Lãng mạn truyền thống, tuy nhiên không giống như những người sáng lập chủ nghĩa này, họ tin rằng sự khải mặc thậm chí có thể được tìm thấy trên đường hay trong cuộc sống hằng ngày. Chủ nghĩa Siêu thực chú trọng khai thác tâm trí vô thức, chủ đề yêu thích của họ là huyền thoại và chủ nghĩa nguyên thủy. Chủ nghĩa Siêu thực góp phần hình thành rất nhiều trào lưu sau này và phong cách này vẫn duy trì tầm ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Siêu thực có thể kể đến là Joan Miró (1893 – 1983), André Masson (1896 – 1987), René Magritte (1898 – 1967) Yves Tanguy (1900 – 1955), Salvador Dalí (1904 – 1989), v.v.

12. Trường phái Biểu hiện Trừu tượng – Abstract Expressionism (1943 – 1965)

Trường phái Biểu hiện trừu tượng là một phong trào hội họa sau Thế chiến II trong hội họa Mỹ, đồng thời là trào lưu nghệ thuật đầu tiên bùng nổ trên phạm vi quốc tế. Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đã đưa New York trở thành trung tâm nghệ thuật mới, một vị thế mà trước đó chỉ thuộc về thành phố ánh sáng Paris. Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng tồn tại trong khoảng thập niên 40 và 50, mặc dù thuật ngữ này từng được sử dụng để mô tả các tác phẩm thuộc thế hệ danh họa về trước như Wassily Kandinsky. Trường phái nghệ thuật này thừa hưởng lối vẽ phóng khoáng của trường phái Siêu thực và thêm vào đó sắc thái u ám từ Thế chiến II.

Jackson Pollock chính là cánh chim đầu đàn của phong trào hội họa này. Khái niệm “Biểu hiện trừu tượng” tuy vậy lại không bó buộc cho một phong cách cụ thể. Các tác phẩm tượng hình của Willem de Kooning hoặc các tác phẩm họa phái trường đồ của Mark Rothko đều được xếp vào chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Biểu hiện Trừu tượng có thể kể đến là Jackson Pollock (1912 – 1956), Clyfford Still (1904 – 1980), Willem de Kooning (1904 – 1997).

Autumn Rhythm (Number 30) (1950) – Jackson Pollock.

13. Trường phái Kinetic Art (1954 trở đi) và trường phái Op Art (1964 trở đi).

Kinetic Art là loại hình nghệ thuật hiện đại khá phổ biến trong đồ hoạ và nhiếp ảnh, đặc tả những dòng chảy chuyển động của ánh sáng, có thể nó có tên gọi khác khác là “Non-stop whirl art”. Cùng với các phong cách và trường phái nghệ thuật hiện đại như trường phái Dã thú (Fauvism), trường phái Siêu thực (Surrealism), trường phái Tối giản (Minimalist), v.v, trường phái Kinetic Art cũng được nhiều nhà nhiếp ảnh thể nghiệm theo đuổi. Khai thác các khía cạnh nghệ thuật cảm xúc, bản thân trường phái này đã chứa đựng rất âm bội bao gồm có những âm bội của nền văn hoá nghệ thuật, tự nhiên và khoa học kỹ thuật.

Trong việc tạo ra các bức tranh, tác phẩm điêu khắc và môi trường nghệ thuật dựa trên việc thể hiện chuyển động để tạo hiệu ứng, phong trào nghệ thuật Kinetic là phong trào nghệ thuật tiên phong xuất bản các tác phẩm nghệ thuật kéo dài theo thời gian cũng như không gian. Đây là một sự kiện mang tính cách mạng: không chỉ bởi vì nó giới thiệu một khía cạnh hoàn toàn mới trong trải nghiệm chiêm ngưỡng nghệ thuật, mà bởi vì nó thể hiện rất hiệu quả niềm đam mê mới với mối liên hệ giữa thời gian và không gian, xác định văn hóa trí tuệ hiện đại kể từ những khám phá của Einstein.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Kinetic Art và Op Art có thể kể đến là Victor Vasarely (1906 -1997), Josef Albers (1888 – 1976), Bridget Riley (1931), v.v. 

Kiss (1961) – Bridget Riley.

14. Trường phái Pop Art (Giữa 1950s – Cuối 1970s)

Pop Art (viết tắt của chữ Popular Art, tức Nghệ thuật Đại chúng) là một phong trào nghệ thuật thị giác nổi lên vào thời đại công nghiệp những năm 1950. Pop Art là hình thức nghệ thuật phản ánh hiện thực vật chất trong cuộc sống hàng ngày của đại chúng (mà ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là xã hội Mỹ). Pop Art coi trọng nền văn hóa pop – nền văn hóa “phổ biến” cùng nguồn cảm hứng được tìm thấy trên: sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, truyền thông quảng cáo, phim ảnh, hoạt họa, biểu tượng, v.v.

Những đặc điểm chính của phong cách nghệ thuật Pop Art là: đối tượng dễ nhận biết, chịu ảnh hưởng của tranh ảnh báo chí hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng; dạng hình ảnh phẳng phân chia theo mảng; ngôn ngữ hình ảnh trẻ trung có cách thể hiện táo bạo; màu sắc rất rực rỡ, tương phản mạnh, chủ yếu là vàng, đỏ và xanh dương.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Pop Art có thể kể đến là Roy Lichtenstein (1923 – 1977), Andy Warhol (1928 – 1978), Claes Oldenburg (1929), James Rosenquist (1933 – 2017), David Hockney (1937), v.v. 

Marilyn Monroe – Mark Ashkenazi

15. Trường phái Tối giản – Minimalism (Đầu 1960s – Cuối 1960s)

Phong trào Tối giản – Minimalism là một phong trào nghệ thuật phát triển mạnh mẽ nhất ở Mỹ trong thập niên 60 và 70. Phong trào Tối giản nhanh chóng phát triển thành xu hướng thiết kế thời đại, với phong cách nhấn mạnh việc giảm thiểu đến tối đa các chi tiết thừa, chỉ giữ lại thành phần thật sự cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ. Sự sử dụng hạn chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất của xu hướng thiết kế này. Phong cách Tối giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của chủ nghĩa Hiện đại, được kết hợp với chủ nghĩa Hậu hiện đại và được xem như phản ứng đối ngược lại với chủ nghĩa Biểu hiện trong nội dung cũng như trong bố cục tác phẩm. Phong cách nghệ thuật này phổ biến trong các lĩnh vực Nhiếp ảnh, Đồ họa, Kiến trúc, Thiết kế nội thất, v.v. Mặc dù trường phái hội họa Tối giản không còn phát triển như trước, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp phong cách Tối giản được sử dụng trong những bức ảnh, những ngôi nhà, logo của các thương hiệu, v.v cho tới ngày nay.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Tối giản có thể kể đến là Frank Stella (1936), Tony Smith (1912 – 1980), Donald Judd (1928 – 1994), v.v. 

Wall Drawing #260 – Sol LeWitt ở Bảo tàng Nghệ thuật San Francisco Museum năm 1975.

16. Trường phái Vị niệm – Conceptual Art (Giữa 1960s trở đi)

Conceptual art (Conceptualism) hay nghệ thuật Ý niệm/Vị niệm là một trào lưu nghệ thuật mà trong đó, những khái niệm hay ý tưởng ẩn giấu trong tác phẩm được đặt lên cao hơn những vấn đề truyền thống về thẩm mỹ hay chất liệu, tạo hình. Người lần đầu tiên đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về nghệ thuật Vị niệm, nghệ sĩ người Mỹ Sol LeWitt, đã tổng kết những khía cạnh làm nên nghệ thuật Vị niệm như sau: “Trong nghệ thuật Vị niệm (Conceptual Art), ý tưởng dùng để tạo nên ý niệm (the idea of concept) là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Một nghệ sĩ sử dụng hình thái nghệ thuật Vị niệm, có nghĩa là khi đó với anh ta, việc lên kế hoạch cũng như mọi quyết định (cho tác phẩm ấy) đều phải được hoàn thành sẵn từ trước, còn việc thực hiện (tác phẩm) chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi. Khi đó ý tưởng trở thành một cái máy sản xuất ra nghệ thuật.”

Đây không hề là dạng nghệ thuật “nói suông” hay dùng để minh họa cho lý thuyết, trái lại, nó đầy ắp trực giác và thu trọn vào lòng mọi kiểu dạng trí tuệ. Nó thường xuyên giải phóng bản thân khỏi việc phải phụ thuộc vào các kỹ năng thủ công của nghệ sĩ trong vai trò là nghệ nhân. Với nghệ thuật Vị niệm, mục đích chính của nghệ sĩ là làm sao gây được hứng thú trí tuệ cho công chúng. Chính vì thế, họ luôn cố tạo ra cho tác phẩm của mình một không khí cằn khô về cảm xúc.

Bất chấp sự thật rằng những nghệ sĩ thuộc phong cách Vị niệm mãi mãi là những kẻ khác biệt và cô độc, và rằng trào lưu Vị niệm chưa bao giờ có được đời sống hào quang trong công chúng bên ngoài giới nghệ thuật, nhưng những tư tưởng cách tân mang đầy tính thách thức và chất vấn của trào lưu Vị niệm đang và sẽ là mạch ngầm trong những đột phá mới của nghệ thuật đương đại.

Spatial Concept “Waiting” (1960) Lucio Fontana.

Tiến Độ (Tham khảo & Tổng hợp)


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.