Tiêu điểm

Truyền thông Thương hiệu

Tháng 12 năm 1944, nửa năm trước khi cuộc chiến tranh thế giới làm tàn phá các ngành công nghiệp nước Anh kết thúc, Chính phủ Chiến tranh của Winston Churchill đã thiết lập Hội đồng Thiết kế Anh quốc để giúp phục hồi kinh tế thông qua việc nâng cao các tiêu chuẩn thiết kế hàng hoá sản xuất. Theo tôi, đó là ví dụ đầu tiên trên thế giới về việc khởi xướng phong trào thiết kế dưới sự bảo trợ của chính phủ, điều đã mang lại kết quả thoả đáng. Ngày nay, Nước Anh đã có ngành thiết kế lớn thứ hai thế giới với rất nhiều thương hiệu và sản phẩm hàng đầu.

Trong chuyến nghỉ hè vừa rồi tại Thái Lan của công ty, chúng tôi đã tham quan phiên bản hiện đại của một nỗ lực khởi xướng phong trào thiết kế quốc gia tương tự – Trung tâm Sáng tạo và Thiết Kế Thái Lan (TCDC), trung tâm học thuật hàng đầu quốc gia về thiết kế và sáng tạo. TCDC mở cửa năm 2005 tại Băng Cốc, mang đến cho các nhà thiết kế và nhà sản xuất của quốc gia này một nguồn tài nguyên ấn tượng để cạnh tranh với thị trường nước ngoài.

TCDC Entry

Tại tầng trên cùng của toà nhà sáu tầng cao cấp Emporium Department Store, khách tham quan có thể nhìn thấy một cơ số các triển lãm, đầu tiên là triển lãm cố định What is Design (Thiết kế là gì), thể hiện cái nhìn về nét độc đáo trong văn hoá của mười quốc gia thể hiện qua các tác phẩm thiết kế công nghiệp kinh điển nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Đây chính là bối cảnh sắp đặt cho sự phát triển của ngành thiết kế tại Thái Lan.

Nếu điều này khiến bạn cho rằng TCDC là một bảo tàng cho những thiết kế cao xa thì bạn đã lầm. Trong một năm rưỡi vừa rồi, TCDC đã tổ chức các triển lãm như  What’s in my noodle? (Cái gì ở trong sợi mỳ của tôi?), một câu chuyện 4000 năm tuổi về sự khéo léo của ngành sản xuất thực phẩm;  Hello World! (Chào thế giới!) triển lãm về những thay đổi do sự kết hợp của toàn cầu hoá và công nghệ, tạo nên một môi trường ngày càng đánh giá cao sự khác biệt và tiến bộ; Out-of-class Experiences (Trải nghiệm không tầng lớp), cho thấy kết quả của sự hợp tác và liên kết giữa 14 cơ sở giáo dục cùng với TCDC và vô số những quận nhỏ của người Thái, nói về điều kiện sống và nhu cầu kinh doanh của họ; Graphic Passport in Bangkok (Tấm hộ chiếu đồ hoạ ở Băng Cốc), khám phá mối quan hệ giữa sự tương quan và số hoá trong thiết kế và truyền thông từ Tokyo tới Băng Cốc; và New York Type Directors Club Exhibition (Triển lãm Phông chữ Đồ hoạ New York) trưng bày những tác phẩm thiết kế đoạt giải quốc tế về phông chữ đồ hoạ. Đây là những tiếng trống sôi nổi giúp cho cộng đồng sáng tạo người Thái luôn rộn ràng.

TCDC giới thiệu những chủ đề cơ sở trong chuỗi Lễ hội Ploy Saeng tổ chức thường niên, một diễn đàn đối thoại và thảo luận mở giữa những nhà sáng tạo, nhà đầu tư tiềm năng và khách hàng. Tại đây, người tham gia có thể trình bày những ý tưởng sáng tạo có thể sử dụng để tạo nên sản phẩm và dịch vụ thực tế. Một ví dụ gần đây chính là The Chili Business, bao gồm những câu chuyện thành công và những cơ hội thương mại của doanh nhân địa phương sử dụng mặt hàng “hot” nhất Thái Lan. Các hội nghị chuyên đề gần đây đã đề cập cả những chủ đề về dịch vụ thiết kế như Dịch vụ Thiết kế cho Phương tiện công cộng. Chương trình Debut Wall của TCDC là một diễn đàn kết nối giúp giới thiệu những sản phẩm mới trong cộng đồng kinh doanh sáng tạo. 3D Printing (Công nghệ In 3D)  mô tả sự chuyển đổi kiểu mẫu của công nghệ này trong sản xuất và marketing.

TCDC cũng giới thiệu các chủ đề toàn cầu hơn trong các diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân sáng tạo trong nước và quốc tế. Hội nghị 2014 của họ được tổ chức với chủ đề If…Defining the future (Nếu…Định nghĩa tương lai), kết nối những chuyên gia phân tích quốc tế chia sẻ ý kiến về việc tìm hiểu nhu cầu thật sự của người tiêu dùng giúp phán đoán tiềm năng và cơ hội tương lai.

TCDC What is Design? Partial Exhibit

TCDC What is Design Timeline Wall

Một số nhà thiết kế nước ngoài được giới thiệu tới cộng đồng sáng tạo Thái Lan thông qua TCDC, trong đó có kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ Frank Gehry, đã phát biểu về cách tiếp cận độc đáo của ông khi tạo ra những không gian văn hoá nhạy cảm, và Chuyên viên tư vấn Adobe Goh Tze Felix, người tham gia đào tạo các nhà thiết kế về Adobe Creative Cloud.

TCDC cũng có cửa hàng lưu niệm với các sản phẩm có khái niệm và phương pháp sản xuất độc đáo, một không gian họp với cà phê hay các ẩn phẩm và e-book miễn phí hàng tháng để lan toả kiến thức thiết kế cho cộng đồng.

Tôi cho rằng viên đá quý của Trung tâm khởi xướng phong trào sáng tạo Thái Lan này chính là Trung tâm Tài nguyên của nó, một trong những thư viện thiết kế lớn nhất châu Á. Thư viện này có hơn 50.000 ấn phẩm thiết kế, hơn 200 tạp chí xuất bản định kỳ và 7.000 tài nguyên thiết kế đa phương tiện phong phú. Thành viên có quyền truy cập vào ba cơ sở dữ liệu online với những cập nhật mới nhất về nguyên liệu – cho kinh doanh & marketing, xu hướng thiết kế & thời trang và truyền thông. Cơ sở dữ liệu Material ConneXion Bangkok của Trung tâm kết nối với chín chi nhánh quốc tế tại New York, Milan, Colgne, Daegu (Hàn Quốc), Istanbul, Skövde (Thuỵ Điển), Tokyo, Bangkok và Chiang Mai (miền bắc Thái Lan). Đây không chỉ là nguồn tài nguyên giàu có về vải vóc, giấy tờ và những nguyên liệu khác cho các nhà thiết kế Thái Lan mà kể từ khi mở cửa, hơn 300 nguyên liệu của Thái Lan từ 191 công ty đã được nhập vào cơ sở dữ liệu, giúp các nhà thiết kế quốc tế tiếp cận với các sản phẩm của Thái Lan nhiều hơn nữa.

TCDC Resource Center

Chính phủ Thái Lan không phải là chính quyền châu Á duy nhất nhận ra giá trị lớn lao của ngành thiết kế đối với việc nâng cao khả năng quảng bá sản phẩm và dịch vụ quốc gia. Cả Singapore và Đài Loan đều có những chương trình mạnh như vậy, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường quốc tế.

Sau khi Singapore xác định được tiềm năng phát triển kinh tế của ngành thiết kế, họ đã thành lập Hội đồng Thiết kế Singapore năm 2003. Cách tiếp cận của họ vẫn là nâng cao tiêu chuẩn thiết kế và sự cách tân trong khối sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực cơ bản của những người làm thiết kế. Với các doanh nghiệp dịch vụ bán lẻ và sản xuất công trình, Hội đồng Thiết kế Singapore giúp họ nhận được lợi ích của thiết kế bằng cách  trợ cấp hoặc tổ chức chương trình giúp tăng tính cạnh tranh của các công ty này tại thị trường trong nước và quốc tế. Với các nhà thiết kế, các chương trình và trợ cấp của Hội đồng đều tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và sự hợp tác với các chuyên gia thiết kế khắp thế giới. Với sinh viên, Hội đồng này tổ chức các khoá học với nhiều môn cấp bằng, chứng chỉ hoặc chương trình sau đại học, đồng thời trao các suất học bổng sau đại học tại nhiều cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.

Tại Đài Loan, Trung tâm Thiết kế Đài Loan chính thức hoạt động từ năm 2004 sau 24 năm xuất bản Tạp chí Thiết kế bởi Trung tâm Thúc đẩy Thiết kế. Trung tâm này tập trung vào nâng cao sự sáng tạo của các nhà thiết kế Đài Loan, thúc đẩy sự trao đổi về các thiết kế quốc tế, tăng cường tính cạnh tranh thị trường của các ngành công nghiệp tại Đài Loan, giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao giá trị thặng dư của thương hiệu và quảng bá kỉ nguyên “Thiết kế tại Đài Loan”. Trung tâm Thiết kế Đài Loan có ba trung tâm đặt ở nước ngoài, bao gồm Tokyo, Düsseldorf và San Francisco.

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Coca Cola và Nike đã hiểu được điều Thomas Watson, người sáng lập ra IBM quan sát thấy: “Thiết kế tốt thì kinh doanh tốt.” theo cách riêng của họ. Chính phủ cũng đang học điều đó và theo đó trang bị nhân sự phù hợp. Kim Jongdeok, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Hàn Quốc trước đây chính là hiệu trưởng Trường Điện ảnh và Truyền thông số Đại học Hongik (Hongik University’s Graduate School of Film and Digital Media) và là cựu sinh viên Trường đại học Trung tâm Nghệ thuật Thiết kế tại Los Angeles (Art Center College of Design – cũng là trường tôi từng theo học). Nước Anh cũng đang xem xét đề xuất bổ nhiệm một Trưởng ban Thiết kế tại  mỗi ban trong chính phủ.

Nếu Việt Nam chuẩn bị giới thiệu doanh nghiệp của mình với thế giới, có lẽ Việt Nam cũng nên cho thấy tầm quan trọng hơn nữa của thiết kế đối với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hỗ trợ cộng đồng làm dịch vụ sáng tạo. Liệu đây có phải thời điểm để làm điều đó?


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.

 

  • Huy Nguyễn 15 tháng 09 năm 2015

    Ý tưởng đáng hoan nghênh. Một trung tâm thiết kế tầm quốc gia sẽ góp phần cổ vũ các business trở nên cởi mở hơn với các thiết kế sáng tạo.
    Nhưng vấn đề là ở Việt Nam số doanh nghiệp thực sự coi trọng thiết kế sáng tạo chưa nhiều, họ còn e dè những rủi ro khi ứng dụng các ý tưởng mang tính đột phá.

    Đóng Trả lời
    • Linh Vu Thuy 15 tháng 09 năm 2015

      Cám ơn ý kiến của bạn!
      Có nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm trong lĩnh vực sáng tạo rất tâm huyết đối với các thiết kế sáng tạo. Điều cần thiết là phải có một tổ chức kết nối các đơn vị này lại nhằm tạo ra một môi trường sáng tạo lý tưởng.

  • Nguyễn Tiến Vũ 16 tháng 09 năm 2015

    Bộ Công Thương từng khởi xướng ý tưởng tương tự trong khuôn khổ chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (tên tiếng Anh: VietnamValue) thì phải?

    Đóng Trả lời
    • Linh Vu Thuy 16 tháng 09 năm 2015

      Thương hiệu quốc gia Việt Nam (hay Vietnam Value) là chương trình quốc gia thể hiện nỗ lực nâng cao và chứng thực chất lượng của hàng hoá và dịch vụ Việt Nam. Theo trang http://www.business.gov.vn/HỗtrợDoanhnghiệp/tabid/130/catid/820/item/13724/ chương-trinh-xuc-tiến-thương-hiệu-quốc-gia.aspx, đây là chương trình quy mô rộng khắp cho các doanh nghiệp lớn, bao gồm nhiều khía cạnh của kinh doanh như sự thích ứng với phương pháp quản trị hiện đại, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đăng ký thương hiệu đúng quy trình và thiết kế xuất sắc. Ý tưởng xây dựng một trung tâm thiết kế quốc gia thì khác biệt ở điểm nó chỉ tập trung vào việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, khả năng cảm thụ và giá trị của thiết kế. Theo một nghĩa nào đó thì quy mô của nó nhỏ hơn, nhưng mặt khác, nó lại sâu rộng hơn Vietnam Value vì khả năng tiếp cận tới các doanh nghiệp ở mọi quy mô cũng như khả năng tiếp cận người dân. Về cơ bản, cả hai ý tưởng đều có chung một mục tiêu: nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế!