Tiêu điểm

Bài viết sưu tầm

Những năm gần đây, công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng đã tạo nên sự thay đổi lớn trong nền kinh tế hiện đại, qua đó giúp cho các ngành nghề kinh doanh phát triển vượt trội hơn bao giờ hết. Lĩnh vực Marketing cũng đã có những bước chuyển đột phá với sự kết hợp thuần thục giữa “Con người” & “Công nghệ”.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được hai động lực chính của sự phát triển Marketing là công nghệ Marketing và nhu cầu của người tiêu dùng. Yếu tố công nghệ được thể hiện qua sự chuyển mình từ quảng cáo truyền thống với các print ads trên báo và tạp chí, sang quảng cáo digital với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng theo thời gian, dẫn đến những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các công ty Marketing trở nên nhạy bén hơn với nhu cầu thị trường và thấu hiểu người tiêu dùng. 

Sự giao nhau của hai yếu tố trên là lý do tại sao Marketing 5.0 được hình thành và được ứng dụng rộng rãi khắp thế giới. Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng Marketing đã phát triển theo nhiều giai đoạn: 1.0, 2.0, 3.0 và 4.0. Mặc dù sự phát triển này nghe có vẻ giống như việc cập nhật phần mềm, nhưng mỗi giai đoạn đều có những ý nghĩa và phương pháp khác nhau.

Lịch sử Marketing từ 1.0 đến 4.0

  • Marketing 1.0 lấy sản phẩm làm trọng tâm với ý tưởng chính là làm nổi bật các tính năng và lợi ích của sản phẩm để thuyết phục người tiêu dùng tiềm năng đưa ra quyết định mua hàng;
  • Marketing 2.0 hướng đến việc lấy khách hàng làm trung tâm nhằm đưa ra các giải pháp phục vụ cho nhu cầu của họ. Các thuật ngữ “Định vị” & “Phân khúc thị trường” được phát triển mạnh vào giai đoạn này.
  • Marketing 3.0 lấy con người làm trung tâm. Giai đoạn này thiên về việc chuyển đổi một doanh nghiệp để phản ánh các giá trị mang tính nhân văn của doanh nghiệp; các Tập đoàn/Doanh nghiệp bắt đầu tích hợp các tiêu chuẩn về Trách nhiệm Doanh nghiệp với Xã hội (CSR) & các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào trong quá trình phát triển kinh doanh.
  • Marketing 4.0 là phiên bản cập nhập của 3.0 trong thời đại kỹ thuật số. Marketing chuyển đổi từ kỹ thuật Truyền thống (Offline/Traditional) sang Kỹ thuật số (Online/Digital). Trong đó phải kể đến một loạt những công nghệ mới chớm được áp dụng vào Marketing như AI (Artificial Intelligence), ML (Machine Learning), Big Data…

1

Định nghĩa về Marketing 5.0

Theo Philip Kotler, Marketing 5.0 là sự kết hợp của 3.0 và 4.0, giữa “Con người và Công nghệ”.

Marketing 5.0 đề cập đến việc áp dụng các công nghệ được định hình để tạo ra, giao tiếp và nâng cao giá trị trong suốt hành trình của khách hàng. Xu hướng Marketing 5.0 ra đời đòi hỏi các nhà marketer phải áp dụng công nghệ kỹ thuật số thay thế cho hình thức tiếp thị truyền thống trong các hoạt động kinh doanh.

Marketing 5.0 đòi hỏi sự tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng thông qua các tương tác trên nền tảng công nghệ. Mặc dù người tiêu dùng đã và đang sử dụng công nghệ, nhưng các nhà tiếp thị phải đối mặt với một thách thức: Làm thế nào để tạo ra mối quan hệ với người tiêu dùng thông qua công nghệ?

Thách thức này ngày càng quan trọng với thực trạng thị trường đang cùng lúc tồn tại năm thế hệ (Baby Boomer, Gen X, Gen Y, Gen Z và Alpha), với hành vi, sở thích và thái độ khá tương phản hoặc thậm chí xung đột. Trong đó, Marketing 5.0 hướng tới phân khúc khách hàng Gen Z và Alpha – đối tượng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ so với những thế hệ khác.

Sự chia rẽ giữa các thế hệ được khuếch đại bởi COVID-19 và tác động của đại dịch này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc phân bổ tài nguyên. Thế hệ trẻ, những người chiếm phần lớn lực lượng lao động, đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế của họ. Theo Kotler, tầng lớp trung lưu đang dần biến mất và thị trường đang có sự phân cực ngày càng lớn giữa thị trường xa xỉ với thị thường bình dân.

3

Còn nhiều điều cần lưu ý về tác động xã hội của COVID-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế và tạo ra các xung đột thế hệ. Trong khi các thế hệ cũ thường thể hiện ý tưởng của họ bằng những phương thức truyền thống trước kia và phần lớn các giám đốc điều hành hiện nay là đại diện của những thế hệ này. Mặt khác, thế hệ trẻ được đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ hiện đại. Kết quả là các thế hệ đã xảy ra xung đột dẫn đến việc những marketer đang phải đối mặt với thách thức mới: Làm thế nào để sử dụng công nghệ nhằm xoa dịu tất cả các thế hệ mà không tạo ra bất kỳ sự chia rẽ hay oán giận nào?

Trong thời kỳ hiện đại hóa và công nghệ hóa, sự phát triển đột phá của các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Dữ liệu Lớn (Big Data) đã góp phần gia tăng giá trị cho các hoạt động Marketing, từ đó doanh nghiệp có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng ở từng thế hệ khác nhau bằng việc cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ, và giải pháp đến từng đối tượng cụ thể dựa trên nhân khẩu học, sở thích, hành vi của từng khách hàng.

Theo Kotler, công nghệ đang gia tăng giá trị cho hoạt động Marketing thông qua 05 thành phần:

  • Data-driven Marketing (Tiếp thị ứng dụng dữ liệu)
  • Predictive Marketing (Tiếp thị dự đoán)
  • Contextual Marketing (Tiếp thị theo ngữ cảnh/tình huống)
  • Augmented Marketing (Tiếp thị tăng cường)
  • Agile Marketing (Tiếp thị linh hoạt)

4

Data-driven Marketing đề cập về việc thu thập dữ liệu lớn và phân tích nó để tạo ra các giải pháp tiếp thị được tối ưu hóa.

Predictive Marketing thiên về việc sử dụng phân tích dự đoán để đưa ra dự báo tiếp thị. Về cơ bản, phương pháp tiếp thị này khá hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí cho các công ty vì họ có thể tạo ra một mô hình thị trường tiềm năng và hành động phù hợp.

Contextual Marketing có thể được xem như xương sống của tiếp thị hiện đại. Các công nghệ được áp dụng trong Contextual Marketing phân tích thông tin xung quanh người tiêu dùng để từ đó “cá nhân hóa” quảng cáo phù hợp với từng ngữ cảnh, đối tượng khách hàng.

Augmented Marketing là việc sử dụng công nghệ để cung cấp cho các nhà tiếp thị các công cụ cải thiện tương tác với khách hàng như chatbot và trợ lý ảo.

Agile Marketing là sự tham gia của các nhóm chuyên gia, các phòng ban có chức năng với sự linh hoạt cao, những người có thể phản ứng với cả môi trường bên trong và bên ngoài để tạo ra các chiến dịch nhiều hơn Marketing hiệu quả cao.

Kết luận

“Human and tech symbiosis — the future of the new customer experience”. Công nghệ vị Nhân Sinh – Bước tiến mới trong Trải nghiệm khách hàng.

Mặc dù công nghệ là tâm điểm của Marketing 5.0, nhưng chúng ta cần hiểu rằng con người vẫn giữ vai trò trung tâm trong mọi quyết định cuối cùng. Cuộc cách tân những phương thức trải nghiệm khách hàng tương lai là yếu tố thu hút các doanh nghiệp đầu ngành tham gia vào việc khai phóng và tạo ra sự khác biệt trên thị trường.

Từ 05 xu hướng cốt lõi để phát triển Marketing 5.0, kết hợp với các công cụ hỗ trợ như “The Next Tech”, suy cho cùng tất cả đều phục vụ mục đích mang đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn. Marketing 5.0, với tinh thần “Công nghệ vị nhân sinh”, lấy khách hàng làm trung tâm thông qua các nền tảng công nghệ hiện đại sẽ góp phần mang đến những trải nghiệm mua sắm vượt trội trong tương lai.

Lê Minh Tuấn (Tổng hợp)


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.