Tiêu điểm

Bài viết sưu tầm

Socrates là một triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn.

Một người làm marketing trẻ tuổi không thể hiểu được cái nhìn của nhà hiền triết: Sự thật không nằm ở vẻ bề ngoài mà ở chính bản thân nó.

Các nhà khảo cổ học làm việc trong ngục tối cổ đại của Hiệp hội Quảng cáo Hy Lạp vừa tìm thấy cuốn sách thứ 11 chưa từng được công bố của tác phẩm “Cộng hoà” (The Republic – là tác phẩm vĩ đại nhất của triết gia Plato, học trò của Socrates), trong đó có ghi lại cuộc đàm thoại biện chứng của Socrates với Digicon, cháu trai của Plato, đồng thời cũng là một người làm marketing.

Socrates: Hãy thử hình dung những người ngồi trước màn hình lớn, chân và cổ bị cùm từ lúc thơ ấu nên họ không thể quay đầu hay di chuyển đi chỗ khác được.

Digicon: Thật là một bức tranh lạ lùng, nhưng lại có vẻ như một cơ hội marketing tuyệt vời đấy!

Socrates: Hãy nhìn tiếp xem, họ có thể điều khiển hình dáng và âm thanh xuất hiện phía trước họ, tuy nhiên không có căn cứ nào để biết những hình ảnh đó sẽ biến đổi như thế nào trên màn hình, chứ chưa nói đến đó là hình ảnh gì.

Digicon: Vậy họ là những người lập trình, chứ không phải người tiêu dùng…

Socrates: Cậu không cho rằng họ gọi tên những thứ nhìn thấy trên màn hình như những hình đại diện cho vật thể, mà họ đã gọi tên chính những vật thể ấy ư?

Digicon: Chắc chắn rồi. Cái đó gọi là xây dựng thương hiệu.

Socrates: Vậy thì những tù nhân như thế sẽ tưởng rằng thực tại chẳng là gì ngoài những hình ảnh mà họ trông thấy.

Digicon: Có phải ngài đang mô tả những người làm quảng cáo và người làm marketing không?

Socrates: Hãy thử nghĩ xem, nếu một người được trả tự do khỏi những chiếc gông cùm, và nhìn thấy phần còn lại của thế giới. Cậu có nghĩ anh ta sẽ cảm thấy lúng túng, bối rối và cho rằng những thứ mà anh ta trông thấy ở màn hình lúc trước mới là thực không?

Digicon: Có chứ. Tấm màn tiết lộ mọi thứ trong ánh sáng thật và cho phép người xem tương tác với chúng cũng như tương tác với nhau.

Socrates: Nhưng chẳng phải những người tù được trả tự do sẽ nhanh chóng nhận ra phần thưởng của những thay đổi trong thế giới thực, đó mới chính là hiện thực sao? Tấm màn chỉ giống như tấm gương phản chiếu hiện thực.

Digicon: Nhà hiền triết kính mến ơi, cháu thấy kết luận của ngài có phần khó hiểu.

Socrates: Tất cả những gì mà người tù nhân nhìn thấy chỉ là cái màn hình, mọi hình ảnh phản chiếu của nó là sự thật duy nhất mà họ biết thôi. Cậu có thể chứng minh cho họ thấy những hình ảnh đó chỉ là ảo ảnh bằng cách kéo họ ra thế giới  thực ngoài kia thôi.

Digicon: Vậy ý ngài là họ sẽ quên những hình ảnh rõ ràng và tươi đẹp mà họ đã trông thấy sao?

Socrates: Tất nhiên, chỉ đơn giản là một ảo mộng mà thôi, cậu không nghĩ vậy sao? Hãy thử tưởng tượng những tâm hồn tự do được nắm trong tay sự thật ấy sẽ tranh cãi như thế nào với những người tù chung thân vẫn hạnh phúc ngắm nhìn những hình ảnh trên tấm màn kia?

Digicon: Rõ ràng là ngài không hiểu gì về truyền thông marketing cả.

Socrates: Con trai, có lẽ ta nên dùng một phép loại suy khác. Hãy xem xét tình huống những tù nhân bị giam trong hang đá và chỉ nhìn thấy hình ảnh một đám lửa phản chiếu trên tường. Họ có thể thay đổi và di chuyển hình thù đằng trước đám lửa ấy, thậm chí tạo ra những âm thanh bên đám lửa ấy. Những hình thù ấy vô cùng phong phú và kỳ diệu khi ngắm nhìn. Nhưng họ không có khả năng hay mong muốn kiểm soát đám lửa đang cháy ngay ngoài tầm với của họ.

Digicon: Ý của ngài là gì?

Socrates: Có lẽ những tù nhân nên dừng việc cố gắng tạo ra nhiều hình thù xinh đẹp để nhóm một đám lửa to hơn và bùng cháy hơn.

Digicon: Cháu không biết nữa. Cháu nghĩ là ý tưởng về cái màn hình nghe có lý hơn. Liệu chúng ta có nên đi kiếm một ly cocktail rồi hãy tiếp tục cuộc trò chuyện này không? Khi nào thảo luận xong, có lẽ ngài sẽ muốn thử loại đồ uống mới này. Nó được gọi là Hemlock (Độc cần – là một loại độc dược cổ đại. Socrates đã bị kết án làm hư hỏng tư tưởng của thế hệ thanh niên và bị xử chết bằng một ly độc cần)

Nguồn: Tạp chí Advertising Age


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.