Tiêu điểm

Bài viết sưu tầm

Nhắc đến cụm từ “hoàng gia”, hầu hết mọi người thường nghĩ ngay đến hình ảnh những tòa lâu đài cổ kính tại Vương quốc Anh, cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II và những thành viên trong hoàng tộc. Dù có nhiều ý kiến trái chiều và những cảm xúc khác nhau về hoàng gia Anh, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của Hoàng gia tới Vương quốc Anh nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Trong khi chế độ quân chủ và nhiều gia đình hoàng tộc khác đang trong xu hướng lụi tàn thì cho tới thời điểm hiện tại, Hoàng gia Anh vẫn tiếp tục khẳng định được vị thế và ngày càng phát triển lớn mạnh. Theo báo cáo của Brand Finance vào năm 2017, tổng giá trị thương hiệu của Hoàng gia Anh là 67 tỷ Bảng Anh và đóng góp 1,76 tỷ Bảng Anh cho nền kinh tế nước Anh hằng năm.

Để có được một “thương hiệu” thành công như ngày hôm nay, Hoàng gia Anh đã không ngừng thay đổi để phù hợp với dòng chảy lịch sử và tiếp tục phát triển để trở thành Thương hiệu Hoàng gia lớn và có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự ra đời của dòng họ Windsor

Lần tái định vị đầu tiên diễn ra vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, khi mọi thứ liên quan đến nước Đức đều bị người dân Anh căm ghét. Trớ trêu thay, Vua George V là người cai trị Vương quốc Anh vào thời điểm này và phần lớn thành viên Hoàng tộc đều có nguồn gốc dòng dõi từ nước Đức. Điều này chưa bao giờ là vấn đề lớn cho đến khi xảy ra hai sự kiện: vụ đánh bom tại London vào tháng 3 năm 1917 và sự sụp đổ của Hoàng gia Nga.

Quả bom từ không quân Đức, được gọi là Gotha G.IV, đã làm thương vong hàng trăm người Anh. Thật không may, tên của quả bom gợi nhớ tới tên của dòng họ hoàng tộc Saxe-Coburg-Gotha, khiến người dân đổ dồn sự chú ý tới  gốc gác Đức của Hoàng gia Anh. Sự kiện thứ hai diễn ra cùng năm là việc Sa hoàng Nga thoái vị đã làm dấy lên nghi ngại về phong trào lật đổ chế độ quân chủ trên toàn Châu Âu.

Hình ảnh Vua George V và gia đình Hoàng gia Anh, 1923.

Hình ảnh Vua George V và gia đình Hoàng gia Anh, 1923.

Để không lâm vào kết cục như người anh em họ ở Nga, vua George V quyết định đổi tên dòng họ thành Windsor, một cái tên đậm chất Anh được lấy cảm hứng từ một trong những tòa lâu đài cổ nhất của Châu Âu. Đi kèm với việc đổi tên, sự lãnh đạo của vua George V được nhiều người dân mến mộ và ủng hộ, khiến họ dần quên đi mối liên hệ giữa Hoàng gia Anh với Đế quốc Đức hay Sa hoàng Nga. Họ Windsor được dân chúng tiếp đón nồng nhiệt và nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của một Hoàng gia Anh trường tồn và cao quý dù mới tồn tại được hơn 100 năm.

Thước phim tài liệu kết nối Gia đình Hoàng gia và dân chúng

Thập kỷ 60 đem tới làn gió mới thay đổi toàn bộ nước Anh ở mọi mặt và tất nhiên, Hoàng gia Anh cũng không nằm ngoài đại cuộc. Từ thời của Vua George V và George VI, gia đình Hoàng gia đã thể hiện mối quan hệ gần gũi với người dân nước Anh. Nhưng khi mới lên ngôi, Nữ hoàng Elizabeth II hiếm khi xuất hiện trước dân chúng ngoài những dịp lễ trịnh trọng. Điều này đã khiến cho sự kết nối giữa gia đình Hoàng gia và dân chúng dần biến mất. 

Theo một cuộc khảo sát của đài BBC với người dân Anh vào năm 1966, 90% dân chúng cho rằng chế độ Quân chủ nên được giữ lại, nhưng chỉ có 25% cho rằng nên tiếp tục vận hành như trước, 64% người dân mong muốn thấy sự thay đổi. Điều này phản ánh họ cần một nền quân chủ mới hợp thời đại hơn. Và lần đầu tiên trong lịch sử, đi ngược lại những truyền thống cổ xưa, khác với phong cách “kín cổng cao tường” từ nhiều đời, Hoàng gia Anh đã quyết định chọn TV làm kênh truyền thông chính lúc bấy giờ, và cho ra mắt các thước phim tài liệu về cuộc sống thường nhật trong cung điện vào tháng 6 năm 1969.

Thước phim về Nữ hoàng Elizabeth II ăn trưa cùng gia đình tại Lâu đài Windsor, 1969.

Thước phim về Nữ hoàng Elizabeth II ăn trưa cùng gia đình tại Lâu đài Windsor, 1969.

Khác với những lần xuất hiện trước đây, Hoàng gia Anh được biết đến nhiều hơn với hình ảnh “Gia đình” so với hình ảnh “Hoàng gia”. Hai phần ba dân số nước Anh đã xem những thước phim tài liệu này, họ tìm thấy được sự kết nối mới, nhận thấy bên cạnh sự hào nhoáng thì những thành viên trong hoàng tộc cũng giống như mọi gia đình khác; họ khám phá ra những khía cạnh thú vị mới và đầy ngưỡng mộ của nữ hoàng và gia đình bà. Khi người dân càng thấy gần gũi, họ cảm nhận được sự tương đồng nhiều hơn thì sẽ càng yêu mến và kính trọng Hoàng gia hơn. Đây chính là dấu mốc trọng đại của lịch sử đánh dấu bước “Hiện đại hóa” hình ảnh của Hoàng gia Anh.

Tiếp tục khẳng định sứ mệnh “Vì người dân” trong thời hiện đại

Qua hàng thập kỷ, Hoàng gia Anh luôn thích nghi, cập nhật theo thời đại một cách khéo léo để đảm bảo hình ảnh Thương hiệu có sự kết nối gần gũi với người dân Anh qua mọi thế hệ, trong khi vẫn duy trì nhất quán sứ mệnh cao cả của mình.

Một ví dụ không thể không kể đến là sự kiện đáng nhớ diễn ra vào thời điểm tổ chức Olympic London 2012, sự xuất hiện của chính bản thân Nữ hoàng trong phim ngắn với James Bond – một nhân vật điện ảnh đậm chất Anh Quốc – đã tạo nên cú sốc lớn trên toàn cầu và được hơn 900 triệu người xem chứng kiến. Và còn rất nhiều hoạt động khác được triển khai nhất quán nhằm đưa hình ảnh Hoàng gia Anh đến gần hơn với dân chúng và mang nét “hiện đại” hơn.

Sự kết hợp có một không hai giữa Nữ hoàng Anh và James Bond cho Thế vận hội Olympic, 2012.

Sự kết hợp có một không hai giữa Nữ hoàng Anh và James Bond cho Thế vận hội Olympic, 2012.

Qua dòng chảy thời đại với hai giai đoạn “tái định vị” nổi bật, bài học về thành công trong việc xây dựng thương hiệu Hoàng gia Anh có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như lịch sử, văn hóa, chính trị… nhưng tựu trung một yếu tố nổi bật không thể bỏ quên, là mối quan hệ không ngừng phát triển giữa Hoàng gia Anh và người dân. Giờ đây, khi cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II, biểu tượng cho toàn bộ Hoàng gia Anh nói riêng và Vương quốc Anh nói chung, đã ra đi thì một lần nữa, câu hỏi được đặt ra là, hình ảnh chế độ quân chủ Anh dưới thời Vua Charles III sẽ phát triển hay thay đổi ra sao? Liệu sẽ có một cuộc tái định vị lớn nào nữa có sức ảnh hưởng tới toàn bộ cục diện hiện tại và kéo dài tới tương lai mai sau?

Hoàng Anh Duy (Tổng hợp)


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.