Tiêu điểm

Bước nhảy Đầu tiên

Mô hình thương hiệu mà tôi đề cập đến trong bài viết Thương hiệu là gì? có nhiều nét giống và cũng có những điểm khác biệt so với các mô hình xây dựng thương hiệu khác. Đó là một mô hình mang tính kết hợp. Bằng cách so sánh các mô hình thương hiệu khác nhau và áp dụng chúng cho doanh nghiệp mình, bạn có thể suy nghĩ về thương hiệu theo cách mà bạn cho là hiệu quả nhất đối với mình. Nội dung dưới đây trình bày một số mô hình thương hiệu khác mà bạn có thể tham khảo.

Có khá nhiều quan điểm khác nhau lý giải về việc các thương hiệu thành công chiếm lĩnh tâm trí con người như thế nào. So sánh những lý thuyết này có thể giúp bạn hình thành quan điểm nhìn nhận của riêng mình.

Thương hiệu chiếm lĩnh tâm phần được xem như mô hình xây dựng thương hiệu phổ biến nhất hiện nay. Mô hình này được khởi xướng từ đầu những năm 1970, khi hai chuyên gia về chiến lược marketing và quảng cáo Al Ries và Jack Trout lần đầu tiên đưa ra khái niệm định vị cho các hoạt động truyền thông marketing. Nói một cách đơn giản, ý tưởng phôi thai của họ bắt nguồn từ ý kiến cho rằng, trong xã hội khi mà số lượng các loại thông điệp truyền thông đại chúng vượt quá mức tiếp nhận của người tiêu dùng, mỗi thương hiệu cần nỗ lực để chiếm lĩnh một vị trí trọng tâm và đơn giản trong tâm trí các khách hàng tiềm năng.

Dựa vào khái niệm trên, cốt lõi của mô hình thương hiệu chiếm lĩnh tâm phần chính là một chủ thể hàng hóa hay dịch vụ. Xoay quanh sản phẩm hay dịch vụ đó là những liên tưởng mang tính khách quan của người tiêu dùng gắn với với sản phẩm và dịch vụ, chẳng hạn như các lợi ích sản phẩm, đặc tính của người sử dụng, những cảm xúc và thuộc tính về mặt đặc trưng tính cách. Chiến lược thương hiệu được xây dựng bắt đầu từ việc xác định hoặc hình thành một cách thức riêng biệt để kết nối những khái niệm trừu tượng nói trên trong tâm trí khách hàng. Tiếp sau đó là thể hiện nhất quán tính chất cốt lõi nhất kết tinh trong tổng hòa đó thông qua tất cả các khía cạnh của thương hiệu cùng với thời gian.

Thương hiệu cảm xúc là một mô hình thương hiệu mới đang dần trở nên phổ biến trong vòng một vài năm trở lại đây. Về cơ bản thì mô hình này khá giống với thương hiệu chiếm lĩnh tâm phần. Tuy nhiên, mô hình này nhấn mạnh vào việc tạo dựng sự lôi cuốn về mặt cảm xúc và kết hợp sức hấp dẫn đó trong mọi khía cạnh thể hiện của thương hiệu nhằm tạo nên mối quan hệ gắn kết về mặt cảm xúc với các khách hàng mục tiêu chủ chốt.

Thương hiệu lan truyền lại là một hình thức xây dựng thương hiệu mới được áp dụng gần đây. Mô hình này cho rằng người tiêu dùng thường tự tạo cho mình một sức đề kháng khá mạnh trước các hoạt động truyền thông marketing, và vì vậy để hình thành được mối quan hệ gắn bó thì nên để cho người tiêu dùng có cơ hội tự khám phá thương hiệu. Còn được mô tả cách khác là bắt nguồn từ gốc hay tạo chuỗi tiếng vang, mô hình thương hiệu lan truyền tìm cách kích thích quá trình tự khám phá của khách hàng mà không thể hiện điều đó quá lộ liễu. Một số thương hiệu còn tập trung vào các khách hàng chủ chốt là những người tạo nên trào lưu và cũng chính là những người lan truyền rộng ra các tầng lớp xã hội về thương hiệu ưa thích của họ thông qua phương thức quảng bá truyền miệng. Điểm yếu của một mô hình dựa trên việc tạo lập xu hướng như thế này chính là ở chỗ những liên tưởng về các xu hướng gắn với thương hiệu thường phụ thuộc vào các chủ thể bên ngoài. Họ sẽ chuyển hướng sang những xu thế mới một khi thương hiệu không còn thịnh hành nữa.

Thương hiệu văn hóa là mô hình ít được nhắc đến hơn nhưng không kém phần quan trọng. Đó là mô hình xây dựng thương hiệu do Douglas Holt, giáo sư đại diện cho L’Oréal phụ trách môn Marketing tại trường Đại học Oxford khởi xướng. Theo lý thuyết xây dựng mô hình này của Douglas Holt, một số thương hiệu dường như bất chấp những quy tắc logic thông thường của các mô hình thương hiệu khác và trở thành thương hiệu mang tính hình tượng. Những thương hiệu này tạo dựng được mối quan hệ tương hỗ với khách hàng tới một mức độ nhất định mà khi đó mối liên hệ này được dựa trên giá trị bản sắc của thương hiệu nhiều hơn là cảm nhận của khách hàng về chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Nước giải khát Coke, đồ thể thao Nike, máy tính Apple là những ví dụ điển hình cho những thương hiệu đó. Những thương hiệu như vậy trở thành một phần phong cách thể hiện cá nhân của khách hàng nhờ tạo ra được mối liên kết sáng tạo giữa các hoạt động truyền thông marketing đại chúng với những liên tưởng văn hóa cho thương hiệu.

Thương hiệu tác động đến giác quan là một trong những mô hình thương hiệu mới nhất hiện nay. Được chuyên gia chiến lược Martin Lindstrom khởi xướng và phổ biến, mô hình này khuyến khích các thương hiệu tự thể hiện mình thông qua tất cả các giác quan có thể để tác động tới cảm nhận của khách hàng.

Dĩ nhiên, bạn càng hiểu bản chất của thương hiệu bao nhiêu thì càng có thể nâng cao khả năng quản lý thương hiệu của mình bấy nhiêu.


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.

 

  • Duc Son 20 tháng 10 năm 2011

    Mô hình “Thương hiệu chiếm lĩnh tâm phần” có được ứng dụng rộng rãi ở Viet Nam?

    Đóng Trả lời
  • Phuongcmo 21 tháng 10 năm 2011

    Anh Duc Son có thể show ra mọt vài ví dụ điển hình cho các mô hình này để mọi nguoi co thể hình dung rõ hơn?

    Đóng Trả lời
  • Richard Moore 3 tháng 11 năm 2011

    Ví dụ điển hình cho mô hình “Thương hiệu chiếm lĩnh tâm phần” là các thương hiệu mang lại những lợi ích cụ thể cho người sử dụng. Vị dụ như khi thương hiệu xe Volvo của Thụy Điển định vị sản phẩm của mình với lợi ích nổi bật là an toàn, người tiêu dùng khi nghĩ tới xe Volvo là nghĩ tới hai chữ “An toàn”.

    Mô hình “Thương hiệu cảm xúc” được phổ biến bởi Marc Gobe cũng giống như mô hình thứ nhất nhưng sử dụng cảm xúc gắn kết với cảm nhận của khách hàng về thương hiệu (bạn có thể tham khảo thêm tại http://www.emotionalbranding.com). Rất nhiều thương hiệu trong ngành chăm sóc cá nhân như Dove là ví dụ điển hình đi theo mô hình này.

    Mô hình “Thương hiệu lan truyền” thường tìm kiếm sự thành công tại các phân khúc thị trường đặc thù nơi người tiêu dùng sẽ ròi bỏ thương hiệu nếu nó trở nên quá phổ biến. Các thương hiệu theo mô hình này thường là được “Tái phát hiện”. Pabst Blue Ribbon là thương hiệu bia đã từng được yêu thích trong giới lao động tại Mỹ ngày nay đang được yêu thích trở lại nhờ được lan truyền.

    Như đã đề cập tại bài viết, cacs thương hiệu Coke, Nike và Apple là ví dụ điển hình của mô hình “Thương hiệu văn hóa”. Chiến dịch “Vẫn chạy tốt” tôi xây dựng cho Electrolux tại Việt Nam giữa những năm 1990 là một khởi đầu tốt cho mô hình thương hiệu này.

    Singapore Airlines là một ví dụ tốt cho mô hình “Thương hiệu tác động đến giác quan”. Bạn có thể tìm hiểu thêm mô hình này tại http://branddance.vn/2011/10/14/xay-dung-thuong-hieu-tac-dong-toi-cam-nhan-da-giac-quan.html.

    Đóng Trả lời
    • Đặng Thanh Vân 9 tháng 02 năm 2012

      Cám ơn A Richard Moore và anh Đức Sơn đã xây dựng blog thú vị này cho cộng đồng các cá nhân yêu thích hoạt động xây dựng thương hiệu.

      Về cụm từ ““Thương hiệu chiếm lĩnh tâm phần” , cá nhân Vân nghĩ rằng nó đúng về câu chữ, nhưng không khiến người đọc hiểu và không phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. Để dễ hình dung, có thể dùng từ “Thương hiệu chiếm lĩnh từ khoá” ?

      Ờ VN, không nhiều doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu đạt đến cấp độ điển hình cho từng mô hình. Nhưng cũng có thể điểm tên một số thwong hiệu như:

      1. Mô hình từ khoá: Ảnh Nguyên Cầu (kỹ thuật); FPT (phá cách); sứ Minh Long (chất lượng); TH Truemilk (sữa sạch). đệm Kim Đan (bền); hầu hết các ngân hàng trong nước; kichikichi (lẩu sạch); Trung Nguyên (sáng tạo)…
      2. Mô hình cảm xúc: VNPT, Cocacola (tại thị trường VN); Bitis; Vinamilk, Diana, Bia “dù bạn không cao”…
      3. Mô hình lan truyền: là mô hình đang được nhiều chủ đầu tư các khu đô thị tại VN sử dụng để tận dụng ngách thị trường và phần lớn các thương hiệu ẩm thực đặc sản.
      4. Mô hình văn hoá: điển hình nhất là Bia Hà Nội và Bia Huda. Một số thương hiệu cũng đang hướng dến điều này nhưng không nhất quán.
      5. Mô hình tác động đến giác quan: Những Thương hiệu có khoảng thời gian tương đối dài cho sự trải nghiệm thương hiệu trực tiếp giữa khách hàng-không gian thương hiệu có khả năng phát triển mô hình này. VD: Các công ty lữ hành, nhà hàng,… Megastar có thể coi là 1 thương hiệu đi theo mô hình này tại VN.

    • BrandDance 10 tháng 02 năm 2012

      Cảm ơn Vân. Blog brandDance được xây dựng bới Richard và cả Team. Về bài viết “Mô hình thương hiệu” bạn đã có một số ví dụ rất hay, đặc biệt là bia Huda & Hà Nội
      Cheers
      Son

  • Nguyễn Quang Thắng 25 tháng 02 năm 2012

    Rốt cục, RMA là công ty thiết kế nhãn hiệu, tài liệu tiếp thị, thiết kế nhận diện thương hiệu hay công ty tư vấn chiến lược thương hiệu?

    Cái mà RMA bán ra là các bản thiết kế hay các giải pháp chiến lược?

    Hay cả hai? hay yếu tố này hỗ trợ yếu tố kia?

    Sở dĩ tôi mạo muội hỏi như vậy là vì vấn đề quan trọng nhất là sự liên hệ giữa bản thiết kế với bản kế hoạch chiến lược chưa thực sự rõ ràng, hay ít nhất là với năng lực hạn chế của mình, tôi chưa thấy được điều đó, và tôi rất mong có được một số gợi ý, chỉ dẫn về vấn đề này.

    Xin cảm ơn!

    Đóng Trả lời
    • BrandDance 28 tháng 02 năm 2012

      Trước hết, xin cảm ơn về câu hỏi. Richard Moore Associates là công ty tư vấn hình ảnh thương hiệu. Chúng tôi giúp khách hàng xây dựng chiến lược dựa trên những điểm khác biệt mang tính cạnh tranh của họ, từ đó áp dụng vào việc sáng tạo hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh cũng như các tài liệu truyền thông hàng ngày bao gồm cả các hình thức truyền thông dạng in ấn truyền thống lẫn truyền thông xã hội mới. Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc phát triển chiến lược hình ảnh thương hiệu bởi nếu không có chiến lược, tất cả các sản phẩm sáng tạo sẽ không có trọng tâm cũng như định hướng cụ thể.
      Best regards,
      Richard Moore